Tranh tứ quý - ý nghĩa tranh tứ quý


Tranh tứ quý - ý nghĩa tranh tứ quý
Tùng Trúc Cúc Mai là bộ tranh xuất phát từ Trung Quốc. Theo ý nghĩa mùa thì thứ tự 4 bức tranh là Mai Trúc Cúc Tùng (Xuân - Hạ - Thu -  Đông)

Theo cổ truyền người ta treo từ phải qua trái: Tùng > Cúc > Trúc > Mai nhưng ngày nay theo lối hiện đại, thông thường tranh tứ quý lại được treo từ trái qua phải.

Tứ quý trong vai trò là biểu tượng của bốn mùa được hình thành ở những cư dân thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa châu á như Việt Nam và một phần của Trung Hoa lục địa. Về sau, khi đã được nâng lên thành một biểu tượng của nghệ thuật, tứ quý thâm nhập vào nhiều nền văn hoá khác nằm cận kề các khu vực văn hoá thuộc vùng khí hậu nói trên. Cho tới nay, tứ quý là một trong những biểu tượng nghệ thuật được sử dụng nhiều trong văn hoá truyền thống ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc á như Nhật Bản, Triều Tiên cùng với Trung Hoa và Việt Nam. Ngoài ra, biểu tượng này còn được các cộng đồng người Hoa và người Việt ở nước ngoài lưu giữ. Ở những cộng đồng này, tứ quý được xem như một biểu tượng quan trọng của văn hoá truyền thống.

Mai là 1 cây hoa quý đối với người Trung Quốc. Nó có màu trắng hoặc hồng. Không phải là giống hoa mai vàng của miền Nam đâu. Vì nó trắng nên tượng trưng cho sự thanh khiết. Nó chịu qua gió tuyết mùa đông nên thể hiện sức sống mãnh liệt, sự kiện cường bất khuất. Rồi sau đó nó mở 5 cánh hoa báo hiệu mùa xuân đến. Vì ý nghĩa đó, ngay cả Cao Bá Quát cũng phải thốt lên rằng: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai thôi). Có thể coi Mai là biểu tượng của Quân tử, của Mùa Xuân.

Trúc trong tiếng Hán chỉ loài tre nói chung. Cây tre trong tiếng Hán là Thích Trúc (tức là cây tre có gai). Chỉ có điều cây Trúc theo nghĩa là cây cảnh thì người ta hay chơi Trúc Quân tử. Cây Trúc cũng là 1 cây có thể sống nơi khô cằn, quanh năm xanh tốt, đốt ngay thẳng từ bé. Đốt cháy thân cây tre đi nhưng đốt than của nó vẫn thẳng chứ không cong gãy, “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng” là vậy. Trúc là biểu tượng của mẫu người quân tử bởi loài cây này tuy cứng mà vẫn mềm mại, đổ mà không gẫy, rỗng ruột như tinh thần an nhiên tự tại, không mê đắm quyền vị, vật chất. Trúc đại diện cho mùa hạ.

Cúc là biểu tượng của sự trường thọ, thường dùng để chúc thọ, chúc người già. Vì thế có loài Cúc mang tên Cúc Vạn thọ, có chí khí quân tử, hoa Cúc tàn nhưng không rụng, nó chỉ gục rũ trên thân của nó mà thôi. Nó gợi cho ta đến 1 hình ảnh chết đứng, chứ không chết nằm. "Cứ mỗi độ thu sang, hoa Cúc lại nở vàng": nói về Cúc, tức là mùa Thu.

Tùng ở đây có nghĩa là cây Thông. Ta gọi là Tùng, Bách, Thông nhưng ở Trung Quốc chỉ gọi là Tùng. Họ phân biệt mấy loại đó bằng Tùng La hán, Tùng mã vĩ (thông đuôi ngựa)...Cây Tùng mọc trên núi đá cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Nó hay mọc ở những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết không đổ. Ngoài ra, Tùng là loài thực vật lá kim, quanh năm xanh tốt, không rụng lá, tiết kiệm nước, rễ bám sâu vào trong vách núi. Đó là phẩm chất quý mà con người mong ước. Vì vậy Tùng hiện thân cho bậc trượng phu, đấng anh hào,…

 

Tác giả: